“Huy tiền cổ” một nhà sưu tập tiền cổ nổi tiếng ở Huế

Đó là biệt danh của bác sĩ Nguyễn Anh Huy, con trai ông Nguyễn Văn Cường, một nhà sưu tập tiền cổ nổi tiếng ở Huế.

Nguyễn Anh Huy với nhà khảo cổ học người Đức, TS. Andreas Reinecker trong chuyến nghiên cứu tại Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế.

Sinh năm 1967, chưa đầy 40 tuổi, lại là một bác sĩ y khoa, nhưng từ hơn 10 năm nay Nguyễn Anh Huy được giới nghiên cứu tiền cổ trong nước và quốc tế biết đến như một học giả uyên thâm, một nhà sưu tầm trứ danh trong lĩnh vực khảo cứu và sưu tập tiền cổ.

Bị “nhiễm” thói mê tiền cổ của người cha nên từ năm 15 tuổi Nguyễn Anh Huy đã theo cha lặn lội khắp Việt Nam để sưu tầm và khảo cứu tiền cổ. Cha con anh từng đem bán những gia sản có giá trị nhất, kể cả bán máu, để có tiền mua những “trự” tiền cổ quý hiếm cho bộ sưu tập của mình.

Sau 50 năm sưu tầm, hiện nay bộ sưu tập của hai cha con Nguyễn Văn Cường – Nguyễn Anh Huy được đánh giá là một trong những sưu tập tiền cổ đầy đủ và giá trị nhất, nhì Việt Nam.

Về số lượng, sưu tập của họ có 2 đồng tiền bằng vàng: một đồng đúc vào triều vua Thiệu Trị (1841 – 1847) và một đồng tiền vàng Chămpa; hơn 100 đồng tiền bằng bạc với tổng trọng lượng khoảng 4 kg bạc; khoảng 1500 đồng tiền đồng của các nước Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và hơn 300 tờ tiền giấy.

Về giá trị, họ có trong tay hàng chục hiệu tiền quý hiếm như những đồng tiền đầu tiên trong lịch sử hình thành và lưu thông tiền tệ: đồng tiền bằng xương khắc hình vỏ sò (cốt bối) thời nhà Thương (1711 – 1324 tr.CN); đồng tiền bằng đồng đầu tiên đúc hình vỏ sò (đồng bối) và hình chiếc khánh (khánh tệ) thời nhà Chu (1066 – 255 tr.CN); đồng tiền hình chiếc xẻng (bố tiền) và hình con dao (đao tiền) thời Xuân Thu (770 – 476 tr.CN).

Bộ sưu tập tiền cổ

Ngoài ra, họ còn có những hiệu tiền thuộc vào loại độc nhất vô nhị như: đồng tiền Tĩnh Khang thông bảo của triều Tống Khâm Tông (1126 – 1127) là một hiệu tiền quý hiếm đến nỗi các bảo tàng tiền tệ Trung Quốc cũng chưa sưu tầm được đồng tiền này; đồng tiền Chính Đức thông bảo của triều Minh Vũ Tông (1506 – 1522); đồng Chu Nguyên; đồng Trị bách ngũ thù của Lưu Bị thời Tam Quốc; đồng Thiên Minh thông bảo của thời mạt Minh sơ Thanh…

Riêng tiền Việt Nam, sưu tập này hầu như có đủ các hiệu tiền của các triều đại phong kiến Việt Nam, từ đồng Thái bình hưng bảo thời Đinh Tiên Hoàng (968 – 979), là đồng tiền đúc đầu tiên của Việt Nam, cho đến đồng Bảo Đại thông bảo vào cuối thời Nguyễn; từ những đồng tiền giấy thời thuộc Pháp; tiền của Chính phủ Cụ Hồ trong những năm kháng Pháp được in trên giấy bổi; tiền của ngân hàng hai miền Nam – Bắc Việt Nam phát hành trước năm 1975, đến tiền hiện hành…

Trong đó, đồng Hàm Nghi thông bảo được giới khảo cứu tiền cổ quốc tế đánh giá là đồng tiền quý nhất trong sưu tập, vì cho đến nay, chỉ có 3 tiêu bản của đồng Hàm Nghi thông bảo được biết đến trên thế giới: một đồng thuộc sưu tập của Bảo tàng Tiền tệ Pháp, một đồng do nhà sưu tập Miura Gosen ở Nhật Bản giới thiệu, đồng còn lại là của cha con ông Cường.

Dù góp sức cùng cha gây dựng nên sưu tập tiền cổ đồ sộ này nhưng điều làm nên biệt danh Huy tiền cổ là do những thành tựu nghiên cứu về tiền cổ của Nguyễn Anh Huy. Bắt đầu bước vào nghiệp khảo cứu tiền cổ từ khi còn là một sinh viên y khoa, đến nay Nguyễn Anh Huy đã có hơn 100 bài viết về tiền cổ đăng tải trên hơn 30 tờ báo và tạp chí trong nước.

Những bài viết về tiền cổ của Huy luôn có những nhận định và kiến giải khác người, thậm chí “gây sốc” đối với những ai quan tâm đến lĩnh vực cổ tiền học. Nhưng cũng nhờ những bài viết đầy học thuật và giàu tâm huyết này mà Nguyễn Anh Huy được giới nghiên cứu tiền cổ quốc tế biết tiếng và được Hội Tiền tệ học Hoa Kỳ kết nạp làm hội viên chính thức.

Say mê sưu tầm và khảo cứu tiền cổ, nhưng Nguyễn Anh Huy vẫn không rời bỏ nghề y mà anh đã chọn lựa. Là bác sĩ Trưởng phòng Kế hoạch và Nghiệp vụ của Trung tâm Y tế huyện A Lưới, Huy quyết tâm nâng cao năng lực chuyên môn nên đã theo học cao học tại Đại học Y khoa Huế.

Cuối năm 2004, Huy đã bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ Y khoa với đề tài nghiên cứu về bệnh sốt rét. Những bệnh nhân ở huyện vùng cao A Lưới vẫn cần đến sự chạy chữa của bác sĩ Nguyễn Anh Huy, trong khi, những đồng tiền cổ đầy ma lực đang lưu lạc trong dân gian vẫn luôn ám ảnh tâm trí của anh. Vì thế, cứ vào dịp cuối tuần, người ta lại thấy Huy tiền cổ lang thang trên những nẻo đường xứ Huế, trong hành trình truy tìm những đồng tiền cổ.

Huế, cuối Đông 2004

Trân Huyền

Cổ vật tinh hoa ( Nguồn: báo điện tử Tiền Phong)

Cùng Danh Mục

Smiley face
Smiley face
Smiley face

Liên Quan Khác